Lịch Sinh Hoạt

DI SẢN BÙI CHU

Nếu không kể Chủng viện “chui” trên thuyền tại Phố Hiến (1666, khởi đầu với 15 thầy, do Cha Deydier tổ chức), thì Chủng viện Kẻ Bùi (Bùi Chu ngày nay) là Tiểu chủng viện đầu tiên của Địa Phận Đông Đàng Ngoài (1773, do cha Hernandez Tuấn thành lập). Năm 1791, cha chính Delgado Y mở Đại chủng viện đầu tiên tại Lục Thuỷ hạ (Liên Thuỷ, Bùi Chu ngày nay)… Năm 1930, có Đại Chủng viện Miền cho ba địa phận Dòng tại Khoái Đồng (Nam Định). Năm 1924 có trường Trung học Saint Thomas d’Aquin (khu Khoái Đồng, Nam Định, 3 tầng dài 70 m làm phòng học, cộng với 200 giường và thư viện, thêm ba dãy trệt làm khu ẩm thực và vui chơi). Năm 1951, Bùi Chu có trường trung học đệ nhị cấp (lúc bấy giờ miền Bắc chỉ có 4 trường đệ nhị cấp: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương). Những năm 1860 đã có nhà in đầu tiên của Đàng Ngoài: Phú Nhai Đường, trước cả Ninh Phú Đường (Kẻ Sở) và Thiện Bản (Phát Diệm), rồi sau đó là Nhà in Thánh Gia (Bùi Chu)[1].

Chỉ một vài dữ kiện lịch sử trên đây cũng cho thấy Bùi Chu từ rất sớm đã là một chiếc nôi của văn hoá nói chung và văn hoá Nhà Đạo nói riêng. Các vị thừa sai quả là đã rất tinh anh khi sớm ý thức và quan tâm tới tầm quan trọng của văn hoá và cuộc “nhân duyên” đức tin-văn hoá, như là một yếu tố có tính quyết định và tạo nền lâu dài đối với công cuộc loan báo Tin Mừng.

Văn hoá là “con đường tơ lụa” (silk road) để truyền tải đức tin. Người xưa có câu: “Đức tin là khoá, văn hoá là chìa”. Câu nói có vẻ nôm na, mộc mạc; lối so sánh có vẻ không mấy “như đinh đóng cột”, nhưng lại diễn tả được mối liên hệ khắng khít và bện chặt giữa đức tin và văn hoá. ĐTC. Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Một khi đức tin chưa trở thành văn hóa, thì đức tin đó vẫn chưa được đón nhận cách trọn vẹn, chưa được suy tư cách thấu đáo và chưa được đem ra thực hành một cách đầy đủ”.[2]

Chúng ta thường tự hào về một Bùi Chu như là chiếc nôi đầu tiên của công cuộc loan báo Tin Mừng (1533), nhưng có lẽ lại ít lưu ý đến một thực tại đáng kiêu hãnh khác là Bùi Chu đã từng đóng vai trò của một trung tâm văn hoá. Di sản Bùi Chu không chỉ là đức tin mà còn là văn hoá, một văn hoá đậm chất tâm linh truyền thống Việt, lại được ánh sáng đức tin soi chiếu, ánh lên lung linh và huyền nhiệm.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thánh chức Giám mục của Đức Cha Giuse, chúng ta cùng ôn lại một số di sản mà cha ông đã để lại cho Giáo Phận Nhà, để cùng khâm phục tiền nhân và khơi nguồn cho bước đường xây đắp hôm nay và tương lai của Giáo Phận, một bước đường có lẽ cũng không đi ra ngoài hai chữ đức tin và văn hoá.

1. Di sản tâm linh Đất Việt

Người Bùi Chu kế thừa di sản tâm linh Việt. Người Việt từ ngàn xưa đã là một dân tộc rất giàu tâm linh. Dân tộc ấy, tự ngàn xưa đã tin kính Trời, đã sống yêu thương đùm bọc, trọng nghĩa khinh tài, lấy nhân nghĩa làm đầu, lấy khí tiết làm trọng, tựa như mảnh đất tốt chờ mong hạt giống Tin Mừng gieo vào…Đấng Tối Cao mà từ xưa tới nay người Việt vẫn tin tưởng được gọi nôm na là “Ông Trời”. Họ tin “Ông Trời” tạo nên vũ trụ, vạn vật, như chúng ta thấy trong bài đồng dao:
“Nhất, Ông đếm cát,
Nhì, Ông tát bể,
Ba, Ông kể sao,
Bốn, Ông đào sông,
Năm, Ông trồng cây,
Sáu, Ông xây rú,
Bảy, Ông trụ trời.

Người Việt cũng tin Ông Trời là Đấng toàn năng, chí công và nhân từ. Toàn năng vì cái gì Ông cũng làm được: Ông cho mưa thuận gió hoà, hoa mầu tươi tốt:
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc các kho…
Nhờ Trời mưa thuận gió hoà
Nào cầy, nào cấy, trè già đua nhau.
Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu…
ông Trời cũng rất công minh:
Trời có mắt.
Xởi lởi Trời gởi của cho, co ro Trời co của lại.
Nhưng Trời cũng lại rất nhân từ:
Trời sinh, trời dưỡng
Trời sinh voi, trời sinh cỏ
Trời đánh còn tránh miếng ăn…

Ngoài việc tin thờ Trời, người Việt cũng rất có lòng tôn kính Tổ Tiên và các Vị Anh Hùng, rất có tâm hiếu thảo với cha mẹ, nhân nghĩa với mọi người. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn / Ăn quả nhớ người trồng cây” bén rễ sâu trong tâm hồn Việt, Đạo hiếu thảo thấm nhuần nếp sống Việt, vì “Chim có tổ, người có tông”, “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn / Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”, “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.

Trong cách ứng xử gia đình và xã hội, người Việt cũng dặn nhau sống yêu thương đùm bọc, hiền hoà vị tha: “kính trên nhường dưới”, “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”, “hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”…
Tất cả những di sản tâm linh đó là mảnh đất phì nhiêu sẵn sàng cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả sau này.

2. Tinh thần truyền giáo – Bề dầy giáo sử

“Bùi Chu Giáo Phận quê nhà
Nằm trên diện tích thật là mênh mông
Một bên nằm cạnh sông Hồng
Một bên sông Đáy chảy vòng xung quanh
Phía ngoài biển rộng nước xanh…”
(Trần Hiển)

Chỉ vài nét phác hoạ, Bùi Chu đã đến với chúng ta thật là thân thương, trìu mến. Một ngày nào đó thả bước trên con đê xanh màu lá cỏ của sông Hồng, sông Đáy hoặc sông Ninh Cơ, chúng ta sẽ bắt gặp một cảm giác nhẹ nhàng xâm chiếm lòng mình. Với dòng nước đong đầy phù sa màu mỡ, làn gió nhẹ mơn man rì rào theo cánh đồng lúa bạt ngàn giữa trời mênh mông nắng ấm, chúng ta như đang nghe vọng lời trần tình của một thời đầy ắp những dấu ấn đã từng in đậm “những bước chân gieo mầm cứu rỗi”.

“Hữu cầu tất ứng”: Niềm khát khao ngàn đời đã được đáp ứng. Năm 1533, Thiên Chúa đã cho hạt giống đầu tiên đó gieo vào đất Bùi Chu, xuất phát việc rao giảng Tin Mừng cho con cháu Lạc Việt: “Tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông, người tây dương tên là I-nê-xu, lén lút đến làng Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân và làng Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, ngấm ngầm truyền đạo Gia-tô” (Quốc sử Quán Triều Nguyễn, Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, quyển XXX, tờ 5-6; cf. quyển XLI, tờ 24-25). Đây thật là một vinh dự lớn lao và cũng là một trọng trách đối với mỗi người con Bùi Chu.

Hạt giống Tin Mừng lại mời gọi người rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng cần phải được rao giảng cho mọi người. Năm 1622, theo tài liệu của Cha Đắc Lộ, đã thấy có các cha Dòng Tên vào giảng đạo tại cửa bể Đàng Ngoài, Cửa Bể đó là Trà Lũ, Quần Anh, Ninh Cường. Tiếp theo, các nhà truyền giáo Dòng Tên, có khá nhiều nhà truyền giáo Hội Thừa Sai Paris (MEP), rồi dòng Đa Minh, Augustinô, Phanxicô… không ngại khó khăn đã đến mảnh đất Bùi Chu để gieo vãi Tin Mừng cứu độ. Tất cả đều chung tay góp sức làm cho cánh đồng Bùi Chu ngày một thêm phong phú, phì nhiêu: “hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm” (Mc 4,8).

“Vườn Bùi Chu cây cối xum xuê
Đất lành chim đậu, hội về như mây!
Đạo dòng sinh động nơi đây,
Phải chăng Tạo hoá ra tay tuyệt vời?”
(Nguyễn Thanh Điện)

Nhiều người tự hỏi: tại sao các nhà truyền giáo lại chọn Bùi Chu như là điểm xuất phát cho công cuộc rao giảng Tin Mừng?
Có nhiều yếu tố giúp ta hiểu biết về sự lựa chọn này:
Trước hết và trên hết là do tình thương hải hà của Thiên Chúa, đã yêu thương và tuyển chọn Bùi Chu bởi sáng kiến tình yêu vô điều kiện của Ngài.
Thứ đến, có lẽ cũng vì yếu tố nhân hoà địa lợi. Xét về yếu tố con người, dân chúng Bùi Chu đã có ý niệm rất cao về Thiên Chúa, có nền luân lý thuần thành và lòng nhiệt tâm cởi mở, đơn sơ chất phác …

“Tính tình chất phát khiêm nhu,
Cách ăn nết ở như lu nước dầy,
Tâm hồn thẳng thắn thơ ngây
Người người đoàn kết vui vầy biết bao.”

Xét về yếu tố địa lợi, Bùi Chu lúc đó là vùng cửa bể, nên đỡ bị triều đình kiểm soát và lại có nhiều sông ngòi thông ra biển, nhất là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ… thuận lợi cho việc di chuyển và ẩn náu của các thừa sai.

Quả thật, công việc loan báo Tin Mừng tại Bùi Chu đã đạt kết quả bội thu nhanh chóng, bất chấp những cấm cách, bách hại gắt gao và muôn vàn gian nan thử thách. Khi tách ra từ giáo phận Đông Đàng Ngoài (năm 1848 do đức cha Martin Gia coi sóc), giáo phận đã có 41 giáo sĩ, 186 thầy giảng, 475 đại chủng sinh và tiểu chủng sinh với 2 trường Latinh, 1 trường lý đoán, 20 nhà phước Đa Minh, 3 nhà phước Mến Thánh Giá, 145.553 giáo dân với 31 giáo xứ và 556 họ lẻ. Công việc truyền giáo cũng phát triển tốt. Chỉ tính riêng năm 1852, rửa tội cho 21.319 trẻ ngoại giáo, 678 người lớn. Năm 1858, rửa tội cho 43.749 trẻ ngoại giáo, 42 người lớn… Đức Cha Barnabas Cezon Khang(1865-1879) kể lại trong thư gửi bề trên Dòng Đa Minh ở Manila rằng: “Tôi mỏi tay rửa tội cho trẻ nít ngoại giáo, chẳng những mỏi tay mà còn mệt nhọc nữa, vì số trẻ nít quá nhiều. Năm 1866 có 26.368 trẻ ngoại giáo được rửa tội lúc gần chết, ngoài ra còn chuộc được 1.197 người…” Thật đúng là “Giáo phận truyền giáo kiểu mẫu” như lời Đức Pio XI đã khen ngợi sau này!

Bề dầy lịch sử về công cuộc đón nhận và loan báo Tin Mừng đó của tiền nhân, tinh thần yêu thương sâu đậm giữa người với người của cha ông, gợi lên cho chúng ta những thao thức trăn trở về cuộc rao giảng Tin Mừng mới tại quê hương Bùi Chu hôm nay…

3. Máu hồng tử đạo

Giáo phụ Tertulianô đã từng nói: “Máu các thánh tử đạo phát sinh các Ki-tô hữu”. Bùi Chu hãnh diện là giáo phận đứng đầu trong việc cống hiến dòng máu tử đạo. Cuộc bách hại kéo dài mấy trăm năm và đã có tới hơn 130 ngàn anh hùng tử đạo đổ máu mình ra làm chứng Tin Mừng trên toàn cõi Đất Việt, trong đó Bùi Chu cống hiến 16.500 vị. Trong số 117 vì hiển thánh, Bùi Chu cũng đóng góp 26 vị, cộng thêm 18 vị đã từng phục vụ tại Bùi Chu, nâng tổng số lên 44 vị. Ngoài ra còn có 514 vị tôi tớ Chúa nữa.

Quả thực, “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Những cuộc bách hại khốc liệt đã làm sáng lên đức tin kiêu hùng của tín hữu Bùi Chu, để lại cho hậu thế di sản về một đức tin vàng đá sắt son.

“Hoan hô Liệt Thánh
Tử Đạo tổ tiên
Ơn trời đổ xuống thánh hiền
Bùi Chu ân phúc một miền gấm hoa
Máu rơi hạt giống chan hoà,
Sinh nên ức triệu một nhà dân con.
Ninh Cơ một giải
Nước ngập ruộng đồng
Giang sơn nhuộm thắm máu hồng,
Đức tin luỹ sắt thành đồng hiên ngang”.
(Thượng Vũ)

Cuộc bách hại lên tới đỉnh điểm thời vua Tự Đức và phong trào Văn Thân. Trong thời kỳ 5 năm bách hại (1858-1862), tại Địa phận Trung (Bùi Chu) đã có 16.000 người chết vì đạo, trong đó có 2 giám mục và 38 linh mục, 10.000 người bị giam cầm hoặc lưu đầy, 100 làng Công giáo bị phá huỷ bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thu, 100.000 người bị phân tháp… Chính trong bối cảnh khốc liệt cam go đó mà Đức Cha Vinh và Cha Chính Hoà đã khấn dâng Giáo Phận cho Đức Mẹ (1858):
“Nhớ xưa Giáo Hội nước nhà
Gặp cơn bách hại phong ba mịt mù
Bề trên Giáo Phận Bùi Chu
Khấn xin Đức Mẹ hộ phù bao dung
Nếu cho cấm cách cáo chung
Sẽ xây Đền Thánh kính dâng Mẹ hiền
Ít lâu lời khấn ứng liền
Chiếu vua Tự Đức ban quyền tự do”
.

Và lời khấn đó đã thành sự thực, với ngôi Đền Thánh Phú Nhai, mới được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường năm 2008, nhân dịp 150 năm khấn dâng Giáo phận cho Đức Mẹ:

“Giừ lời khấn hứa thuỷ chung
Bùi Chu xây dựng Thánh Đường Phú Nhai
Dâng lên Đức Nữ Trinh Thai
Trăm năm chứng tích khôn phai khôn mờ”.
(Hoàng Kim Chi Điện)

Vương cung thánh đường Phú Nhai với tổng diện tích 2160 m****2, chiều dài 80m, chiều rộng 27m, chiều cao 30m, tháp cao 44 m, sừng sững hiên ngang như biểu tượng của lòng tri ân vút cao mà con cái Bùi Chu muốn dâng lên Mẹ. Đây cũng là chứng tích của tình thương mà Mẹ Maria luôn dành cho con cái Bùi Chu:

“Ôi ơn toàn xá bao la
Âu Tây Lộ Đức, Nước Nhà Phú Nhai”.

4. Truyền thống Đa Minh

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1659-1679, Bùi Chu thuộc Địa phận Đàng Ngoài dưới quyền coi sóc của Đức Cha Françoise Pallu, đức cha Lambert de la Motte quản nhiệm thay.

Từ năm 1679, địa phận Đàng Ngoài được chia đôi, thì Bùi Chu thuộc địa phận Đông Đàng Ngoài và là trụ sở chính của Địa Phận. Trong suốt thời gian 1679-1848, Toà Giám Mục đặt tại Lục Thuỷ Hạ (nay là Liên Thuỷ), Trà Lũ (nay thuộc xứ Phú Nhai), Trung Linh và Bùi Chu.

Với sắc lệnh Apostolatus Officium, ngày 5 tháng 9 năm 1848, Địa phận Đông Đàng Ngoài chia đôi, và Bùi Chu trở thành trụ sở Địa Phận mới mang tên Địa Phận Trung, vì nằm giữa Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài, do đức cha Marti Gia coi sóc, với số tín hữu 139 ngàn, gấp 3 lần địa phận Đông.

Từ năm 1677 đã có ba cha Dòng Đa Minh (Juan Ramos, Juan de Santa Cruz – Thập và Juan d’Arjona) đến phục vụ tại Bùi Chu, trụ sở tại Trung Linh. Từ đó, Dòng Đa Minh liên tiếp gửi các cha dònng Đa Minh từ Manila đến phục vụ Bùi Chu. Từ năm 1757, Toà Thánh giao cho các cha dòng Đa Minh chịu trách nhiệm hoàn toàn về Địa phận Đông (bao gồm Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng ngày nay). Từ thời này trở đi Giáo phận Bùi Chu luôn gắn liền với các giáo sĩ dòng Đa Minh. Thời Đức Cha Marti Gia có 3 lm Đa Minh Tây Ban Nha, 14 lm Đa Minh Việt Nam, 20 nhà phước Đa Minh… Những dấu ấn của lòng đạo Đa Minh dần dần nở rộ, như lễ kính trọng thể thánh Đa Minh, phong trào học hỏi Kinh văn Giáo lý từ thời Đức Cha Thánh An; tinh thần cầu nguyện, lần hạt, ngắm sự thương khó do Đức Cha thánh Xuyên khởi xướng; tổ chức mục vụ giáo hạt, giáo xứ, tháng Hoa, tháng Mân Côi trong thời Đức Cha Onate Thuận; thành lập nhà thương, “nhà thiên thần”, trại phong thời Đức cha Định…

Ghi nhớ dấu chân hào hùng của các Cha Thừa Sai dòng Đa Minh với những đóng góp to lớn của các Ngài cho công cuộc truyền giáo tại Bùi Chu, chúng ta nhận thấy di sản dòng Đa Minh trên đất Bùi thật phong phú. Các ngài đã thổi vào lòng giáo hữu Bùi Chu lòng yêu mến Lời Chúa, lòng hăng say truyền giáo, lòng sùng kính Đức Mẹ, lòng mộ mến Kinh Mân Côi và lòng tôn kính Cha thánh Đầu Dòng Đa Minh…

5. Chuỗi ngọc Mân Côi – Lòng sùng kính Đức Mẹ

Giáo phận Bùi Chu có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Điều đó được thể hiện qua nhiều thực hành đạo đức trong Giáo phận. Trước hết, chúng ta thấy Quan thầy đệ nhất của Giáo phận là Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thứ đến, 4/6 Hội Dòng phát sinh từ Giáo Phận nhận tước hiệu Đức Mẹ: Dòng Mẹ Đồng Công, Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương, Dòng Con Đức Mẹ Thăm Viếng. Bên cạnh đó, rất nhiều Hội đoàn hoặc Phong trào sùng kính Đức Mẹ, như Chủng viện Mẫu Tâm, Họ Mân Côi, Hội Con Đức Mẹ, Hội Áo Đức Bà Cát Minh, Hội Mẫu Tâm Công Chức, Hội Mẫu Tâm Học Sinh, Hội Mẫu Tâm Từ Thiện, Phong trào thực thi mệnh lệnh Fatima, Phong trào tôn Nữ Vương Gia đình, Phong trào đọc kinh liên gia đền tạ Đức Mẹ…; Tháng Hoa và Tháng Mân Côi cũng được tổ chức rất long trọng và sốt sắng tại Bùi Chu.

Một trong những thực hành đạo đức nổi bật về lòng sùng kính Đức Mẹ là việc lần hạt Mân Côi. Truyện kể rằng có những bà mẹ đi chợ đầu đội thúng, một tay bế con, một tay lần hạt… Hình ảnh đó như là một hình ảnh tiêu biểu của một lòng đạo gắn liền với cuộc sống, kinh nguyện và cuộc sống gắn bó với nhau như tay trái tay phải, như hình với bóng… và như thế, cuộc sống thành chuỗi cầu kinh, kinh cầu thành hơi thở cuộc sống, đi vào nhịp điệu cuộc sống…

Kinh Mân Côi là việc đạo đức đã được Cha Thánh Đa Minh cổ võ như là “vũ khí” chống lại các bè rối và sự sa sút lòng đạo đức. Tại Bùi Chu, các Cha dòng Đa Minh cũng cổ võ lòng đạo đức truyền thống này, vì Kinh Mân Côi là lời kinh bình dân nhưng sâu sắc, đơn sơ dễ thực hành nhưng lại tóm gọn sách Phúc Âm, mọi người có thể đọc chung mà vẫn tự mình suy niệm, vì “khẩu tụng tâm suy (miệng đọc lòng suy)”. Kinh Mân Côi vì thế đã trở thành thơ, thành nhạc, đi vào văn hoá, thấm vào hồn người, vang vào sông núi Việt…

“Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ,
Suy ơn chuộc tội loài người thế,
Tự sinh nhi tử tử nhi sinh
Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể
Lạy ơn Rất Thánh Đức Bà
Xin vì phép ngăm Rosa thánh này
Ban ơn soi sáng bởi trời
Cùng ban ơn phúc đời đời cho con.”
(Kinh Vãn Tháng Văn Côi)

Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn còn nhìn Chuỗi Mân Côi như là một sợi dây nối kết sự hiệp nhất trong Giáo Phận. Ngài đã sáng lập Dòng Mân Côi, vì theo Ngài, đây không những là việc đạo đức Thánh Tổ Phụ và các thừa sai Đa Minh nhiệt tình cổ võ, mà còn vì trong tràng chuỗi Mân Côi có sách Tin Mừng tóm gọn, có Thánh Giá, có tinh thần Đa Minh… nên có thể liên hết mọi người nên một.

Ngày nay, Chuỗi ngọc Mân Côi đó vẫn còn nguyên giá trị cao quý, nếu chúng ta biết dùng tràng chuỗi để cầu nguyện, để chiêm ngắm và thực hành các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu với ánh mắt và trái tim Mẹ Maria. Đó là một trong những di sản mà con dân Bùi Chu cần yêu mến, cổ võ và phát huy:

“Mân Côi tràng chuỗi nhiệm mầu
Đẹp lẽ cao siêu đẹp chữ yêu
Như sợi tơ trời loan ân phúc
Tựa chuỗi vàng kinh thắm nguyện cầu”.
(Hương Kinh)

6. Lòng đạo sốt mến

Nói đến Bùi Chu là nói đến lòng đạo sốt mến, sầm uất, nhiệt thành. Ở đâu có người Bùi Chu, ở đó có nhà thờ khang trang, có các nghi lễ rộn ràng long trọng, có nguyện ngắm kinh hạt râm ran, có tuồng thương khó, có rước kiệu sống lại, tháng hoa, quan thầy, kèn trống, cờ hiệu, dâng hoa, dâng hạt, hội đoàn … ; ở đâu có người Bùi Chu, ở đó các linh mục, tu sĩ được yêu mến đặc biệt; ở đâu có người Bùi Chu, ở đó bầu khí cộng đoàn sầm uất, đông vui, xôm tụ:

“Tinh thần sống đạo thật cao,
Sáng thì đi lễ, tối vào đọc kinh.
Nhà thờ sớm tối linh đình,
Giáo dân sốt sắng, tâm tình hy sinh …”

Đó không phải là một lòng đạo trên mây trên gió, nhưng rất thực tế, cụ thể, gần gũi với cuộc sống:

“Người người vui sống tự do,
Hằng ngày cầy cấy chăm lo ruộng vườn
Tâm tình chất phát thân thương,
Tinh thần sống đạo kiên cường biết bao.”

Lòng đạo đó chúng tôi thiết nghĩ là một di sản phát xuất từ nguồn mạch lửa thiêng nơi các anh hùng đức tin tổ tiên Bùi Chu truyền lại cho con cháu:

“Đức tin Công Giáo thấm vào,
Dòng máu Tử Đạo anh hào trổ sinh
Nuôi dưỡng đời sống tâm linh,
Giúp người tín hữu niềm tin sáng ngời,
Như đèn chiếu sáng khắp nơi,
Như men muối mặn ướp đời không hư….”

7. Lễ hội truyền thống

Bùi Chu là chiếc nôi đức tin với những di sản đạo đức phong phú, nhưng cũng là cái nôi văn hoá với những di sản nhân văn đa dạng. Nói đến Bùi Chu, người ta nhớ ngay tới những danh xưng vang bóng một thời. Nào là các danh nhân văn hoá nổi tiếng trong nước và hải ngoại, như Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, Đức Cha Phê-rô Phạm Ngọc Chi, các học giả Trần Văn Hiến Minh, Trần Đức Huân, Trần Thái Hiệp, Trần Thái Đỉnh, Phạm Châu Diên, Lê Tôn Nghiêm, Trần Đức Huynh, Vũ Đình Trác, Lương Kim Định, Đỗ Quang Chính, Đinh Văn Trung, Nguyễn Hưng…; các nhạc sĩ Ngô Duy Linh, Hải Linh, Phạm Liên Hùng, Kim Long… Nào là các địa danh như Trường Nguyễn Bá Tòng, Trường Hồ Ngọc Cẩn… Nào là các tổ chức văn hoá như nhà in Phú Nhai Đường, nhà in Thánh Gia, Học Hội Ra Khơi, Tủ sách Ra Khơi, Đa Minh Bán Nguyệt San, Nhạc đoàn Sao Mai…

Tại Bùi Chu hôm nay, hai ngày lễ truyền thống đức tin văn hoá vẫn còn được duy trì khá tốt là Lễ Đầu Dòng (Lễ Thánh Đa Minh, 8-8 hàng năm tại Bùi Chu) và Lễ Khỏi Tội (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 8-12 hàng năm tại Phú Nhai). Lễ Đầu Dòng có lẽ đã được tổ chức trọng thể tại Bùi Chu vào những năm 1676, khi các cha Đa Minh bắt đầu đến Bùi Chu. Sử ký Địa Phận Trung ghi lại Lễ Đầu Dòng năm 1854 như sau:
“Đức Thầy An làm lễ Đầu Dòng tại làng Lục Thuỷ Hạ (Liên Thuỷ ngày nay) cách trọng thể linh đình, có đủ các Đấng, các Cụ, nhiều anh chị em về các nhà xứ, các nhà mụ trong Địa phận, và hơn hai vạn bổn đạo đến thông công. Đức Cha lừa dịp tốt ấy để hội công đồng riêng Địa phận mà bàn luận thêm nhiều việc có ích chung”.

Tuy vậy, mãi đến năm 1944, Giáo phận mới chính thức nhận thánh Đa Minh làm quan thầy và của hành đại lễ hàng năm tại Nhà thờ Chính Toà Bùi Chu.

Vào mỗi ngày lễ quan thầy, giáo dân Bùi Chu từ già đến trẻ, nam đến nữ, kéo về Nhà thờ Bùi để mừng lễ, hành trang là cỗ tràng hạt, áo mưa, cơm nắm cơm gói để đủ lương thực cho hai ngày lễ… Để dự lễ, họ đã chuẩn bị cả tháng trước và nhất là đã sốt sắng làm tuần chín ngày kính Thánh Cả Đầu Dòng.

Trong mỗi dịp lễ, các Đấng đều hội tụ đông đủ, làm lễ Chính Tiệc cách trọng thể, đoạn kiệu tượng ông thánh Duminhgo (Đa Minh) chung quanh nhà thờ, rồi hội họp tại nhà nguyện nhà chung để vấn an các Đấng các bậc mà kính trọng ông thánh Đa Minh nơi con cái của Ngài…

Ngày nay, cùng với Lễ Khỏi Tội (8/12), lễ Đầu Dòng được coi như ngày giỗ tổ của Giáo Phận, quy tụ hàng vạn giáo hữu về dự lễ. Người Bùi Chu đi đâu làm gì cũng dặn nhau rằng:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ rằng tháng Chạp Phú Nhai, Mẹ chờ!
Dù ai rong ruổi bốn bờ
Đừng quên tháng Tám, Bùi Chu, Đầu Dòng"
Điểm lại một vài nét về di sản Bùi Chu, chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì tình thương hải hà và hồng ân cao cả Chúa đã dành cho chúng ta. Bùi Chu quả là giáo phận “châu báu”, vì chúng ta có những di sản đạo đức và văn hoá phi thường. Chúng ta có nguồn cội tâm linh Việt. Chúng ta có bề dầy về lịch sử đón nhận và loan báo Tin Mừng bậc nhất tại Việt Nam. Chúng ta được nhuộm thắm sắc hồng tử đạo và cống hiến cho mảnh Đất Việt rất nhiều máu đào đức tin. Chúng ta có truyền thống Đạo Dòng sâu đậm, sốt mến. Chúng ta có lịch sử hào hùng về lòng sùng kính Đức Mẹ, lòng đạo kiên cường sốt sắng, tinh thần bất khuất về nhân chứng đức tin giữa đời…

Thật là:
Ơn Trời đổ xuống thánh hiền
Bùi Chu ơn phước một miền gấm hoa
Máu rơi hạt giống chan hoà
Sinh nên ức triệu một nhà dâng con

Giống dòng muôn thuở vinh quang
Đất trời nương tựa mở đường tinh hoa.
Bờ xôi ruộng mật,
Đất nước hiền hoà.
Tin Mừng gieo giống nên mùa
Trái vàng đã kết ngàn hoa lại trào
Sương trời thấm giọt máu đào
Ngàn đời phước lộc bừng cao tận trời.”

Ngày các cha Đa Minh trao Giáo phận Bùi Chu cho hàng giáo sỹ Việt Nam, thừa sai Alexandro Gallego đọc bài diễn từ nhắn nhủ rằng: “Nay ngọn cờ Đa Minh đang phấp phới trên đỉnh núi cao. Thưa Đức Cha, tôi không dám chỉ bảo ngài, vì như thế là thất thố. Song chúng tôi trao cờ đó vào tay ngài đang lúc thắng, và hy vọng ngài bảo tồn lấy cơ đồ lớn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ theo dõi lá cờ, nếu nó phất phới thì chúng tôi vui mừng. Nếu nó ủ rũ thì chúng tôi buồn biết mấy!”

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngọn cờ đức tin của Bùi Chu luôn phất phới, để không phụ lòng các Đấng các Bậc tiền nhân đã hy sinh gây dựng cơ đồ và đã để lại cho chúng ta những di sản cao quý!

Mừng lễ Đầu Dòng 2011
Lm. Đa Minh Trần Ngọc Đăng
ĐCV Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu